Tìm về đặc sản rượu 3 miền

Trong truyền thống của dân tộc Việt Nam mỗi khi khách đến nhà không thể thiếu một ly rượu mời khách. Đây có lẽ là nét văn hóa đẹp của dân tộc ta. Mỗi vùng miền lại có một loại rượu đặc trưng mang dấu ấn riêng. Hãy cùng điểm qua đặc sản rượu của 3 miền Bắc, Trung, Nam xem nó có gì đặc biệt nhé.

1. Rượu Mẫu Sơn của Miền Bắc

Núi Mẫu Sơn (ảnh: internet)

Rượu Mẫu Sơn là đặc sản của người Dao thuộc Lạng Sơn. Họ sống trên đỉnh Mẫu Sơn chính vì lẽ đó mà tên gọi của rượu cũng được mang tên nơi họ cư trú. Rượu Mẫu Sơn đặc biệt từ cách chế biến đến vị rượu, quá trình chế biến vô cùng kỳ công. Những người dân tộc Dao chế biến rượu từ gạo và nước tinh khiết. Gạo được chọn ở đây là gạo thơm, hạt trắng ngon và đảm bảo chất lượng. Nước được lấy từ những con suối chảy từ độ cao hơn 1000m nên rất trong và ngọt đạt đến độ hoàn hảo. Hơn thế nữa còn có loại men lá rừng được chế từ 30 loại thảo dược quý hiếm. Một công đoạn vô cùng quan trọng đó chính là chưng cất, rượu được chưng cất hàng ngàn năm với phương thức thủ công đem lại hương vị thơm nồng, dịu nhẹ cho người thưởng thức.

Rượu Mẫu Sơn (ảnh: internet)
Một mẻ rượu đang được nấu (ảnh: internet)

2. Rượu Bầu Đá của Bình Định

Nhắc đến Bình Định người ta không thể không nhắc đến rượu Bầu Đá. Người dân Bình Định từ xưa luôn tự hào về rượu của quê hương mình. Nổi tiếng nhất vẫn là xóm Bầu Đá (Nhơn Lộc – An Nhơn), hầu như ở đây hộ gia đình nào cũng nấu rượu. Rượu Bầu Đá Bình Định còn được dùng làm thuốc chữa bệnh nếu như được sử dụng một cách đều đặn và khoa học.

Làng nghề truyền thống tại Bình Định (ảnh: internet)

Quá trình làm rượu vô cùng tỉ mỉ và phức tạp, đầu tiên là việc chọn gạo và nếp. Mỗi mẻ rượu người ta sử dụng khoảng 7,2 kg gạo. Không chỉ có gạo như những loại rượu khác, rượu Bầu Đá còn sử dụng cơm đã trộn men rồi sau đó ủ vào xô nhựa, sau 3 ngày cơm dậy mùi thơm của men rượu. Tiếp đó đổ vào 16 lít nước giếng, nước ở đây phải trong và không phèn cặn, ủ tiếp 2 ngày, lúc này khi mở nắp xô mùi thơm ngào ngạt của cơm rượu đã chín thật làm người ta ngất ngây. Chưa hết, còn phải cho cơm rượu vào nồi đun trong 5 giờ. Rượu lúc này được chưng cất qua một ống tre rất đặc biệt được nối từ nồi nấu sang nồi ngưng tụ. Chế biến công phu như thế nhưng một mẻ chỉ cho ra 4 lít rượu thôi đấy.

Lò nấu rượu (ảnh: internet)
Rượu Bầu Đá (ảnh: internet)
Rượu Bầu Đá (ảnh: internet)

3. Rượu Đế miền Tây

Nấu rượu tại Nam Định thời xưa (ảnh: internet)

Chắc hẳn hình ảnh những bác nông dân chân lấm tay bùn chiều chiều đi làm đồng về, ngồi nhâm nhi ly rượu Đế với con cá lóc nướng trui trước hiên nhà đã trở nên quen thuộc khi nhắc đến người dân Nam Bộ. Và rượu Đế cũng là thức uống mời khách của những người dân nơi đây, một thức uống dân dã nhưng đượm tình.

Rượu Đế Nam Bộ (ảnh: internet)
Rượu Đế Nam Bộ (ảnh: internet)

Chế biến rượu Đế không cầu kỳ như những loại rượu khác, nguyên liệu chính là các loại ngũ cốc có hàm lượng tinh bột cao thông dụng như gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt, gạo nương lúa mạch, ngô hạt, mầm thóc,… Tinh hoa của rượu nằm ở chất men, men rượu được chế từ nhiều loại thảo dược (thuốc Nam, thuốc Bắc) như cam thảo, quế chi, gừng, hồi, thạch xương bồ, bạch chỉ, xuyên khung, rễ ớt,… Rượu cũng được nấu và chưng cất theo một quá trình. Người ta có thể điều chỉnh nồng độ của rượu tùy theo ý muốn. Rượu có một chút cay, một chút đắng và đặc biệt rất thơm.

Tản mạn rượu (ảnh: internet)

Mỗi vùng miền lại có một loại rượu khác nhau. Tuy hương vị và cách chế biến khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung đó chính là tình cảm của những con người làm ra nó cất giữ trong rượu để mỗi khi uống ta thấy cay cay đầu lưỡi và trái tim lại rạo rực nghĩ về một điều gì đó thật quý giá và hạnh phúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *