Thu tới, cũng là lúc nhiều chị em muốn trổ tài làm bánh Trung thu nhưng lại băn khoăn không biết làm thế nào để nhân bánh ngon, dẻo, thơm… Hãy để bloganchoi giúp bạn với cách làm các loại nhân bánh Trung thu dưới đây đảm bảo ai cũng phải tấm tắc khen ngon nhé!
Vì trong cách làm bánh Trung thu truyền thống, các công đoạn khá cầu kỳ nên bloganchoi hướng dẫn cách làm phần nhân bánh trước nhé!
Giá trị dinh dưỡng của nhân bánh Trung thu
Bạn có biết nhân đậu xanh, thập cẩm hay sữa dừa trong chiếc bánh Trung thu mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe? Nếu đậu xanh tốt cho tim mạch, ngăn ngừa ung thư dạ dày, tăng cường hệ miễn dịch thì sữa dừa mang axit béo có lợi, còn “thập cẩm” với đầy đủ dưỡng chất của các loại nguyên liệu quyện hòa.
Chính các loại nhân khác nhau làm nên các hương vị khác nhau của bánh Trung thu (dùng cho nhân của cả bánh dẻo và bánh nướng). Các loại nhân bánh Trung thu ngày càng đa dạng và phong phú: nhân thập cẩm, nhân đậu xanh, nhân sữa dừa, khoai môn, trứng muối,…
Sau đây, bloganchoi xin chia sẻ với bạn cách làm một số loại nhân bánh Trung thu dễ làm và phổ biến nhất.
Nhân đậu xanh
Nhân đậu xanh là nhân cơ bản nhất của bánh Trung thu nhưng chưa bao giờ là “lỗi thời” bởi nó vẫn được nhiều người yêu chuộng.
Nguyên vật liệu để làm nhân đậu xanh
- Đậu xanh đã xát vỏ: 200 gam
- Đường kính: 100 gam
- Mạch nha:1 muỗng nhỏ (có thể không có)
- Bột nếp bánh dẻo: 10 gam
- Dầu ăn: 80 gam
- Nồi inox to (Đặt mua nồi inox tại đây)
- Máy xay sinh tố (Đặt mua máy xay sinh tố tại đây)
Các bước làm nhân đậu xanh cho bánh Trung thu
Bước 1: Ngâm đậu xanh
Đậu xanh khi mua về lấy đem ngâm vào chậu ngập nước, cho thêm chút muối vào ngâm cùng trong khoảng 4 tiếng (có thể để qua đêm) để đậu nở ra, khi sên đậu sẽ nhuyễn, tơi, không bị khô hay rời rạc.
Bước 2: Rửa sạch đậu đã ngâm
Đậu sau khi ngâm no nước thì nở to gấp đôi, trọng lượng lúc này đạt 400 gam. Tiến hành đổ đậu đã ngâm ra rổ, bỏ nước cũ và vo lại 2 – 3 lần bằng nước cho sạch hẳn.
Bước 3: Nấu đậu xanh
Cho đậu vào một cái nồi inox to, đổ khoảng 1lít nước vào cùng, bắc nồi lên bếp và đun lửa vừa đến khi sôi thì hớt bọt. Cứ khoảng 5-7 phút thì khuấy để đậu không bị cháy, khê. Chú ý thêm nước nếu cạn, đổ nước sao cho ngập đậu, chỉnh bếp nhỏ lửa.
Bước 4: Làm nhuyễn đậu
Đậu đun liu riu đến khi nở bung hết cỡ thì dùng muỗng khuấy mạnh, miết cho đậu nhuyễn ra rồi tắt bếp.
Bước 5: Xay đậu
Để đậu nguội rồi cho vào máy xay sinh tố cùng với 200ml nước xay nhuyễn, rồi lọc qua rây để đậu mịn hơn.
Bước 6: Nấu và hoàn thiện nhân đậu xanh
- Đậu xanh đã xay mịn cho vào nồi đun, trong khi đun quấy đều liên tục. Khi đậu cạn nước, sệt lại thì cho hết lượng đường và thêm chút dầu ăn vào khuấy cho tan đều.
- Tiếp tục khuấy đến khi thấy nặng tay thì cho mạch nha, thêm chút dầu ăn vào sên kỹ.
- Khoảng 10 phút sau thì cho nốt lượng dầu còn lại vào sên cho mịn, đậu kết dính với nhau, dùng tay ấn thử nếu không bị dính tay là được.
- Sau đó, rây từ từ bột bánh dẻo trộn cho đều vào nồi đậu xanh vậy là đã hoàn thiện quy trình làm nhân đậu xanh.
Nhân trà xanh và nhân lá dứa
Từ nhân đậu xanh bạn có thể biến tấu đôi chút để có nhiều hương vị mới, điển hình là sự kết hợp với trà xanh và lá dứa dưới đây.
Nguyên vật liệu để làm nhân trà xanh, lá dứa
- Đậu xanh xát vỏ: 200 gam
- Đường kính trắng: 100 gam
- Dầu ăn: 80 gam
- Mạch nha: 1 muỗng nhỏ
- Bột nếp bánh dẻo
- Bột trà xanh: 7- 8 gam
- Nước cốt lá dứa: 1 muỗng nhỏ
- Nồi inox (Đặt mua nồi inox tại đây)
Cách làm nhân trà xanh, lá dứa
Cách làm nhân trà xanh hoặc nhân lá dứa cũng tương tự như cách làm nhân đậu xanh, chỉ thêm 1 bước nhỏ thôi nhé!
- Nhân trà xanh: Khi sên đậu xanh đã gần sệt lại, khuấy nặng tay thì pha 8 gam trà xanh vào 30ml nước nóng cho tan hết và đổ vào nồi đậu xanh tiếp tục sên đến khi ấn nhẹ mà không thấy dính tay thì được.
- Nhân lá dứa: Sên đậu xanh gần được, sệt lại thì cho nước cốt lá dứa vào sên cùng với đậu xanh đến khi được.
Nhân thập cẩm
Chỉ nghe cái tên thôi chắc hẳn bạn cũng đoán được nguyên liệu để làm ra loại nhân này. Đúng vậy, nhân thập cẩm được tổng hợp từ các loại mứt, hạt thơm ngon, vị mặn vừa nhiều hơn là vị ngọt.
Nguyên liệu để làm nhân thập cẩm
Phần nhân thập cẩm
- Mỡ đường: 40 gam
- Hạt sen sên đường: 50 gam
- Lạp xưởng: 50 gam
- Hạt điều: 50 gam
- Hạt bí: 50 gam
- Hạt dưa: 40 gam
- Vừng (hạt mè): 40 gam
- Mứt bí: 50 gam
- Lá chanh: 6 lá
Phần nguyên liệu để kết dính nhân
- Vỏ chanh vàng bào vụn: 2 quả
- Ngũ vị hương: 1/4 muỗng
- Bột bánh dẻo: 30 gam
- Nước lọc
Cách làm nhân thập cẩm
Bước 1: Làm mỡ đường
Mỡ thái hạt lựu, cho vào luộc khoảng 2 -3 phút cho chín tới, đổ ra rổ cho ráo nước. Tiếp theo, trộn mỡ với đường theo tỉ lệ lượng đường bằng 1/2 lượng mỡ rồi đem ra hong cho đường ngấm mỡ chuyển sang trong.
Bước 2: Sên sen đường
Hạt sen đã bỏ tâm sen cho vào luộc sơ, chắt bỏ nước đầu, rửa sạch, cho hạt sen với nước ngập sen vào đun tiếp cùng với đường theo tỉ lệ đường bằng 1/4 lượng sen. Đun lửa nhỏ đến khi hạt sen chín mềm thì đổ ra rổ để cho khô ráo rồi xắt nhỏ làm đôi hoặc bốn.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Lạp xưởng hấp hoặc luộc chín, để ráo, thái hạt lựu
- Hạt điều, hạt bí, hạt dưa, vừng rang chín, giã sơ qua hạt điều cho nhỏ
- Lá chanh thái sợi nhỏ
Bước 4: Trộn nhân
- Cho tất cả các nguyên liệu đã làm xong vào trộn đều. Nếm thử, thêm đường hoặc chút dầu hào cho vừa miệng.
- Kế tiếp, cho chút rượu và nước, sau đó rắc một phần bột bánh dẻo vào trộn đều. Trộn đến khi dùng muỗng nhấn nhân vào thành âu mà dính lại thành 1 khối là được. Sau đó chia nhân thành các phần và nắm thành viên tròn làm nhân bánh.
Nhân sữa dừa
Loại nhân này thích hợp cho những ai hảo ngọt. Nhân sữa dừa cũng dễ làm mà cũng dễ ăn: không quá ngọt mà dừa vừa béo ngậy lại dẻo giòn.
Nguyên vật liệu làm nhân sữa dừa
- Dừa tươi nạo sợi: 200 gam
- Sữa đặc có đường: 100 gam
- Nước cốt dừa: 100 gam
- Bột bánh dẻo: 30 gam
- Vừng (mè): 40 gam
- Vani: 5 ml (có thể không có)
- Chảo chống dính sâu lòng (Đặt mua chảo chống dính sâu lòng tại đây)
Cách làm nhân sữa dừa
Bước 1: Trộn sữa dừa
Cho dừa nạo sợi và sữa đặc vào trộn đều, để khoảng 30 – 45 phút cho dừa ngấm sữa.
Bước 2: Đun sữa dừa
Cho nước cốt dừa vào chảo đun nóng, khi thấy có hơi bốc lên thì hạ lửa, cho sữa dừa đã trộn vào đun đến khi cạn nước, sợi dừa hơi khô lại. Tiếp tục cho bột bánh dẻo, vừng, vani vào và trộn đều rồi tắt bếp.
Yêu cầu và bảo quản nhân bánh
Các loại nhân bánh phải mềm dẻo, không bị khô cứng, không nhão, không dính tay, không bị cháy, bị khê, khét.
Thưởng thức nhân bánh Trung thu
Sau khi làm xong phần nhân, bạn bắt đầu làm vỏ bánh để hoàn thiện. Hãy tiếp tục theo dõi bloganchoi để học cách làm vỏ bánh Trung thu trong bài viết kế tiếp nhé!
Nếu không làm vỏ bánh ngay sau đó thì có thể bảo quản nhân theo vài mẹo bên dưới.
Bảo quản nhân bánh Trung thu
Nhân sau khi làm xong, để nguội, nếu chưa làm bánh ngay thì bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh để giữ cho nhân không bị khô, hỏng.
Nếu để ngăn mát thì có thể bảo quản được trong ngày, còn với ngăn đá thì 2 -3 tháng, khi cần dùng có thể dã đông trong ngăn mát, và bỏ ra ngoài cho hết lạnh, nhân vẫn sẽ mềm dẻo như khi mới sên xong.
Một số mẹo khi làm nhân bánh
- Trong khi sên nhân, nếu nhân bị khô hoặc tách dầu thì cho chút nước nóng vào cho nhân loãng ra và tiếp tục sên.
- Nếu nhân bị khô dầu (thiếu dầu) thì cho thêm chút dầu và một chút nước nóng vào sên tiếp.
- Lượng bột bánh dẻo cho vào sau cùng có thể tùy chỉnh tùy vào độ ướt của nhân. Nên rắc từng chút một và trộn từ từ, đến khi thấy vừa đủ độ dính, có thể nắm lại thành viên mà không bị biến dạng.
- Các loại nguyên liệu có thể gia giảm cho hợp khẩu vị hơn, một số loại nguyên liệu có thể thay thế: dùng bột mì thay cho bột bánh dẻo, dùng lạc (đậu phộng) nếu không có hạt điều, dùng dầu dừa thay thế dầu ăn.
- Ở mỗi loại nhân, nếu thích thì cho trứng muối vào để đủ vị cho bánh hơn.
Xem thêm các bài viết sau để làm phong phú sổ tay học nấu ăn nhé!
Đừng quên truy cập bloganchoi để biết thêm cách làm nhiều món ngon hơn nhé!