Khi du lịch miền Tây, nếu bạn chỉ thăm thú cảnh quan sông nước hữu tình thì chưa đủ, mà hãy thưởng thức 10 món đặc sản miền Tây sau đây nhé, nếu không, bloganchoi nghĩ là bạn sẽ phải hối tiếc lắm đấy!
1. Canh chua cá linh bông điên điển
Khỏi phải bàn cãi, đây là cái tên quen thuộc và nổi tiếng bậc nhất khi nhắc đến đặc sản miền Tây sông nước.
Vì đâu mà nó có sức hấp dẫn đến thế? Bởi loài cá linh và cả loại bông điên điển, muốn thưởng thức, bạn phải chờ vào dịp mùa nước nổi, khoảng tháng 8 âm lịch hằng năm.
Và đặc biệt, cá linh khi nấu canh chua giúp nước canh có vị ngọt tự nhiên và hấp dẫn đến lạ thường. Bông điên điển màu vàng, nho nhỏ khi nấu chín cùng nước dùng sẽ có vị ngọt nhẹ, chấm một chút nước mắm, ăn đưa cơm vô cùng.
Mùa nước nổi, con cá linh cũng được chế biến nhiều món ăn khác để ăn kèm với cơm như cá linh kho mía, cá linh làm mắm để tiếp tục chế biến bún mắm, mắm kho.
Canh chua hay nhiều món ăn khác ở miền Tây (như bún mắm, cháo cua, cá lóc nướng trui… sẽ kể dưới đây) có rau ăn kèm vô cùng phong phú. bloganchoi cũng không tài nào kể hết các loại rau, từ rau ruộng đến rau rừng, như: bông súng, bông so đũa, lá cóc, lá đọt mọt, rau xá xị (có mùi y như nước ngọt có gas), rau soi nhái, rau muống, rau bắp chuối,…
Để thưởng thức món ăn này, bạn có thể đến các Khu du lịch sinh thái như Làng nổi Tân Lập – Long An, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Rừng tràm Trà Sư,…
- Xem thêm Top địa điểm du lịch mới mẻ và hấp dẫn ở miền Tây
- Bạn có thể xem thêm bài viết : Về miền Tây, ăn canh chua cá linh bông điên điển
2. Lẩu mắm – Bún mắm – Mắm kho
Với nguyên liệu chung là các loại mắm như mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm cá sặc,…cùng các loại rau dân dã như rau hẹ nước, bông súng, kèo nèo, rau muống,… 3 món ngon từ mắm là Bún mắm – Lẩu mắm – Mắm kho đã gây ấn tượng riêng cho du khách khi thưởng thức.
Bún mắm và Lẩu mắm thường có vị mặn vừa vì mắm được chế biến để lấy vị, nước lèo nhiều, loãng.
Bún mắm thường được thưởng thức bỏ vào tô như khi ăn hủ tiếu, bún riêu, phở,… với cọng bún to như bún bò Huế, nước lèo vừa đậm vị, có sự kết hợp thêm cả tôm, mực, thịt heo,… tùy ý.
Còn lẩu mắm, cách thưởng thức cũng như các loại lẩu khác, nồi nước dùng được nấu sẵn, khi ăn sẽ bắt trên bếp gas mini hay bếp cồn, đợi nước dùng sôi lên rồi nhúng các loại rau, khứa cá lóc, hải sẳn,… ăn kèm bún tươi.
Riêng mắm kho thì cực khác 2 món trên, vì được nêm nếm mặn hơn và dùng với cơm trắng nóng hổi. Mắm được nấu chín, nhừ, lọc qua rây để lấy nước rồi pha vào nước dùng, liều lượng nước không loãng như bún mắm hay lẩu mắm. Rau củ thường ăn cùng mắm kho là cà tím và đậu bắp.
Nồi mắm kho đơn giản chỉ cần vài lát thịt ba rọi cũng đủ ngon, nhưng ai cầu kỳ hơn có thể cho nhiều nguyên liệu khác y như lẩu mắm, tất cả đều rất tuyệt vời cho bữa cơm no nê.
Hiện nay, bún mắm, lẩu mắm có bán ở các hàng quán dọc đường về miền Tây. Còn mắm kho đa số khách mua mắm về tự chế biến, ăn kèm cơm nóng để thưởng trức trọn vị hơn.
Bạn có thể xem thêm bài viết : Ngày mưa, về Long An đừng quên lẩu mắm!
3. Cháo cá lóc – Lẩu cháo cá lóc
Nếu các bạn nào đi từ Sài Gòn về miền Tây, nhất là đoạn qua Long An, Tiền Giang sẽ thấy có nhiều bảng hiệu đề “Cháo cá lóc”, “Lẩu cháo cá lóc”. Thế nên bạn có thể “ghé” vào bất kỳ quán nào để thưởng thức đặc sản nơi đây.
Bật mí với các bạn, ở đoạn sau khi qua địa phận Long An, đến gần TP.Mỹ Tho, các quán cháo cá lóc ở đây có cá rút xương cực ngon, mềm, ăn không lo mắc xương, cháo nóng hổi, không còn gì có thể sánh bằng.
Còn lẩu cháo cá lóc, cũng như lẩu mắm hay lẩu cá linh, nước dùng được bắt lên bếp và nhúng bún, rau ăn kèm. Ai sành ăn thường ăn kèm rau đắng đất, nếu bạn nào không ăn đắng được có thể ăn rau đắng biển hoặc chỉ ăn với giá đỗ.
Xem thêm bài viết về cháo cá lóc miền Tây: Cháo cá lóc rau đắng – say lòng hương vị miền Tây dân dã
4. Hủ tiếu
Hủ tiếu không phải là đặc sản riêng của vùng miền nào, nhưng ở miền Tây, nổi tiếng bậc nhất là hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Sa Đéc có những nét đặc biệt mà bạn nên thử.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Tô hủ tiếu chính gốc Mỹ Tho, lúc nào nước dùng cũng thơm ngon, vị ngọt thơm không biết tả vào đâu được, có hơi chua, khác hủ tiếu của Sài Gòn hay hủ tiếu Nam Vang. Trong tô có tôm, lòng heo, trứng cút, xương,… kèm đó là hành tỏi chấy thơm phức, cọng hủ tiếu dai dai. Thực khách đang đói, thử qua một lần thì thấy “đã” cả đời.
Ở Mỹ Tho có nhiều quán hủ tiếu ngon, nhưng địa chỉ đáng lưu ý là khu vực cầu Quay, đường Trưng Trắc, dãy quán bình dân, nơi có hủ tiếu đậm đà, ngon ngọt.
Hủ tiếu Sa Đéc
Bên cạnh đó, ở miền Tây, nếu có xuôi về vùng Sa Đéc, bạn còn có thể thưởng thức đặc sản hủ tiếu Sa Đéc nữa.
Khác với hủ tiếu Mỹ Tho, do Sa Đéc có nghề làm bột gạo truyền thống ở xã Tân Phú Đông nên bánh hủ tiếu có chút khác biệt: trắng, mềm, ngon và không có vị chua. Còn về nước dùng thì nấu từ xương, ninh lâu, có nhiều bí quyết nêm nếm khác nhau tùy từng quán.
Nổi tiếng ở Sa Đéc, bạn có thể thử ghé Hủ tiếu Bà Sẫm ở 188 Trần Hưng Đạo, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp.
Chủ quán là người phụ nữ gốc Quảng Đông. Quán có truyền thống lâu đời, nước lèo nấu từ xương chứ không dùng bột nêm như hàng quán đại trà khác và có giá cực rẻ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/tô, đủ loại hủ tiếu khô hay nước, còn một vài nơi khác ở Sa Đéc thì giá 30.000 – 40.000 đồng/tô.
5. Bún cá Châu Đốc
Về An Giang, nơi có những cánh rừng tràm xinh đẹp, đồng thốt nốt xanh um, bạn đừng quên món Bún cá Châu Đốc nổi tiếng.
Bún cá có phần nước dùng trong pha chút màu vàng của nghệ, nước ngọt từ cá lẫn xương heo (lợn). Cá không được tanh, vì thế người nấu phải khéo sơ chế và chọn cá lóc còn tươi, không bị ương, ướp cùng gia vị, bột nghệ, khi ấy món bún mới hấp dẫn.
Món bún cá còn đậm vị bởi lúc nêm nếm, người ta còn cho vào mắm ruốc. Mắm hòa với nước lèo cá ngon ngọt tạo nên hương vị khó quên với màu nghệ vàng tươi hấp dẫn.
Để món bún bắt mắt và đầy đủ giá trị dinh dưỡng, người ta cũng thêm vào mực, miếng cá phi lê, bông điên điển, rau,… đi kèm cho món bún này.
Nếu bạn có du lịch về An Giang thì bún cá Châu Đốc có bán ở nhiều nơi, giá khoàng 15.000 – 20.000 đồng/tô. Còn ở TP.HCM, bạn có thể đến góc đường Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng, Quận 3 để thưởng thức món ăn còn giữ nguyên mùi vị của xứ Châu Đốc này, giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/tô.
Bạn có thể xem thêm: Dạo quanh đất nước thưởng thức “bún 3 miền”
6. Cháo cua đồng
Đồng ruộng đã ban tặng người miền Tây nhiều “sản vật” đặc biệt, trong đó có con cua đồng để tạo ra các món ăn hấp dẫn.
Đáng kể nhất là cháo cua đồng (hoặc nấu loãng ra là lẩu cua đồng). Cua đồng thường dễ gặp lúc mùa mưa to hay mùa nước nổi. Sau khi bắt về, người ta tách mai cua ra, lấy phần gạch màu vàng cam bỏ ra chén riêng, phần thân còn lại đem giã nát, chần nước sôi, chắt lấy nước dùng.
Phần nước cua đem nấu cháo sẽ cho ra nồi cháo ấm nóng, màu nâu xám đặc trưng của gạch cua đã chín, đậm vị, bổ dưỡng vô cùng, ăn kèm bún tươi, rau đắng hay mồng tơi, giá đỗ tùy thích.
Từ con cua đồng, người dân cũng hay đổi món với bún riêu hay canh cua, nhưng ngày mưa, húp một tô cháo cua lại khiến người ta nhớ nhiều hơn cả.
Vì cua đồng cũng hiếm có, phải đợi mùa mưa hay mùa nước nổi nên các quán cháo cua cũng ít, chỉ có quán bún riêu cua là nhiều nhưng hương vị không đậm đà. Nếu bạn may mắn gặp đi chợ gặp người dân bán cua, giá khoảng 60.000 đồng/kg thì có thể mua về thử chế biến.
Có thể xem cách nấu cháo cua đồng trong bài: Cháo cua đồng – món ăn Tây Nam Bộ xao xuyến thực khách phương xa
7. Cá lóc nướng trui
Cái tên “Cá lóc nướng trui” đã quá quen thuộc với người miền Tây và cả nhiều dân phượt, đúng không các bạn?
Nếu muốn ăn đúng đặc sản, bạn phải đi vào sâu các vùng ruộng lúa, “xin” thâm nhập vào cuộc sống người dân để trải nghiệm tự tay bắt cá lóc đồng, đem cá lên, xiên qua thanh tre hoặc gói lá sen vào cho thơm rồi nướng với rơm.
Cá đồng có thớ thịt dai, khi nướng giữ được nguyên hương vị ngọt ngọt, đa số thường làm mồi nhậu lai rai giữa đồng quê yên ả, gió thổi mát rượi. Đây là trải nghiệm chẳng nơi nào có được đấy các bạn.
Tuy nhiên, do nguồn thủy sản thiên nhiên có hạn nên cá đồng ngày càng ít. Đa số hiện nay, các nhà hàng, quán ăn cũng buộc lòng dùng cá lóc nuôi để phục vụ mọi người, đây cũng là một điều nuối tiếc cho món ngon này.
Nhưng bloganchoi nghĩ rằng, nếu bạn có thể tự nướng với rơm hay lá sen vẫn có thể “níu kéo” hương vị đồng quê của món đặc sản này, có thể ăn kèm bánh tráng cuốn chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm nữa nhé.
Các bạn có thể xem thêm bài viết về cá lóc nướng trui:
8. Bánh xèo
Bánh xèo là món bánh nổi tiếng của Việt Nam khiến nhiều du khách nước ngoài mê mẩn. Bánh xèo cũng là một món ngon ở miền Tây bạn đừng bỏ qua.
Khác với bánh xèo miền Trung mỏng, giòn rụm, bánh nhỏ, bánh xèo miền Tây tận dụng cây trái miệt vườn là cây dừa nên vỏ bánh dày hơn có độ béo rất đặc trưng của nước cốt dừa tươi, miếng bánh to tràn chảo.
Bên cạnh đó, phần nhân bánh được “sáng tạo” với vô số loại nhân cũng từ đồng ruộng như tép, ốc, có khi có cả thịt mỡ đầy đủ chất dinh dưỡng và đậu xanh, củ sắn, giá đỗ,… ngọt ngọt, bùi bùi.
Lấy một lá cải bẹ xanh to, cho bánh xèo vào trong cuộn lại, chấm một ít nước mắm chua ngọt, vị mềm béo của bánh, vị ngọt của nhân bên trong cùng ít rau sống chát chát cân bằng lại, mới nghĩ đến đã thấy thích rồi, phải không các bạn?
Hiện nay, bánh xèo miền Tây ngày càng xuất hiện nhiều trong các hàng quán ở miền Tây. Và chính bạn cũng có thể tự làm bánh xèo tại nhà nếu đã “trót mê” chiếc bánh này, nhớ tìm mua đủ nguyên liệu để giống chiếc bánh của vùng sông nước này nha.
Bạn có thể xem thêm bài viết về bánh xèo miền Tây, cách làm bánh xèo trong bài:
- Cách làm món bánh xèo chay cực ngon tại nhà
- Cách làm bánh xèo miền Tây chuẩn ngon mà dễ làm
9. Bánh tét Trà Cuôn
Ngoài bánh xèo, bánh tét Trà Cuôn là một món bánh ngon nên mua về làm quà khi du lịch miền Tây.
Bạn sẽ bỏ ngay định kiến ăn bánh tét là ngán với nếp, đậu, mỡ,.. bởi bánh tét Trà Cuôn ở Trà Vinh là sự kết tinh từ nguyên liệu, công đoạn làm bánh công phu để cho ra đời món bánh nếp dẻo thơm, thịt trứng bên trong đậm vị, đòn bánh cực kỳ chất lượng không thua một sơn hào hải vị nào.
Nhớ là bạn phải tìm mua đúng bánh “chính hãng” mới có thể thưởng thức được trọn vị của món đặc sản này nhé. Nổi tiếng nhất là thương hiệu bánh tét Hai Lý.
Để tìm hiểu chi tiết về bánh tét Trà Cuôn, cách phân biệt bánh giả, thật, các bạn có thể xem bài viết: Bánh tét Trà Cuôn, đặc sản Trà Vinh “ăn một lần mê vạn lần”
10. Bánh pía Sóc Trăng
Bánh pía thường dễ tìm thấy ở nhiều hàng phố, ngay cả ở siêu thị nhưng chỉ có bánh pía ở Sóc Trăng mới là chiếc bánh đặc biệt nhất bạn nên ăn.
Bánh pía Sóc Trăng là sự kết hợp của những nguyên liệu tươi ngon như sầu riêng, bột mì mềm mịn, đậu xanh chín thơm, trứng muối,… Vị bánh ngọt vừa, không quá béo hay ngọt gắt khiến ai thử qua một lần cũng muốn “xơi” hết cả cây bánh.
Nhân bánh thường chiếm đa số là nhân đậu xanh kết hợp miếng sầu riêng thơm nức mũi, thỉnh thoảng có nhân khoai môn. Vỏ bánh pía mềm, mỏng và mịn, khác với bánh lột da với vẻ ngoài giống hệt nhưng vỏ bánh cứng, thô.
Cũng có người cho rằng bánh pía với bánh lột da là một nhưng người dân miền Tây đã phân biệt rạch ròi, bánh pía chất lượng hơn nên hầu như hiện nay, bánh lột da cũng ít và gần như không tồn tại nữa.
Nếu muốn mua bánh pía Sóc Trăng về làm quà, bạn có thể tìm mua dọc đường thuộc tỉnh Sóc Trăng, tập trung nhiều hàng quán ở khu vực Vũng Thơm, Phú Tâm và khu vực An Trạch (Sóc Trăng), hay đường về miền Tây cũng có. Nhớ xin chủ quán vài mẫu thử, nếu bánh mềm mại, thơm ngon như bloganchoi nói trên thì đúng là đặc sản.
Bánh pía thường được đóng thành cây bánh hình trụ, các bánh xếp chồng lên nhau, khoảng 4 – 5 bánh/cây, giá dao động từ 35.000 – 60.000 đồng/cây.
Bạn có thể xem thêm bài viết về món ngon miền Tây:
- 7 món bánh ngon kinh điển khó quên ở miền Tây
- 4 món đặc sản “kinh dị” của miền Tây, bạn có dám thử?
Ẩm thực miền Tây quả thật phong phú, các bạn nhỉ? Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến thông tin hữu ích và tuyệt vời cho các bạn khi có dịp du lịch miền Tây sông nước.
Đừng quên theo dõi bloganchoi thường xuyên để biết thêm nhiều món ngon đặc sản khác nhé!