Trong suốt quãng đời hoạt động, lãnh đạo Cách mạng từ khi về nước cho tới những ngày cuối đời, tên tuổi của Bác đã gắn liền với nhiều ngôi nhà sàn tại khắp miền Bắc. Những ngôi nhà này đều trở thành biểu tượng cho phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, và được gọi với cái tên gần gũi là nhà sàn Bác Hồ. Vậy hãy cùng Blogamthuc365.edu.vn khám phá những căn nhà sàn Bác Hồ sau đây để hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta nhé.
Top 20 resort Hà Nội đẹp sang trọng gần trung tâm thành phố
Top 20 villa Hà Nội chuẩn 3-4-5 sao tầm nhìn đẹp
Top 20 khách sạn Hà Nội giá cả phù hợp tại trung tâm thành phố
Top 20 homestay Hà Nội đẹp bắt mắt gần trung tâm thành phố
Lán Khuổi Nặm – Nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu Cao Bằng
Sau khi về tới cột mốc biên giới 108 Việt – Trung vào năm 1941, những ngày đầu hoạt động, Bác nghỉ ngơi tại hang Pác Bó (Cao Bằng) trong một thời gian ngắn trước khi chuyển đến Lán Khuổi Nặm, là một nhà sàn nhỏ được dựng gần đó.
Khi chuyển tới Lán Khuổi Nặm, Bác đã sinh sống và làm việc tại đây cho tới tận tháng 5/1945. Căn nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu này hiện đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tên Lán Khuổi Nặm theo tiếng Tày, tiếng Nùng có nghĩa là suối nước. Sở dĩ, căn nhà sàn Bác Hồ này có cái tên như vậy bởi nó có vị trí nằm không quá xa cửa rừng, lại sát ngay bên dòng suối nhỏ, bên dưới những gốc cây um tùm. Căn nhà được xây dựng theo đúng kiểu nhà sàn của người Tày với diện tích nhỏ bé, chỉ khoảng 12m2 với mái lợp tranh đơn sơ, vách được che bằng lá cáp tao – một loại lá cây rừng trông gần giống lá dừa.
Tuy căn nhà nhỏ bé, đơn sơ lại thiếu thốn giữa núi rừng Cao Bằng bao la, rộng lớn nhưng Lán Khuổi Nặm lại là nơi đã chứng kiến 2 sự kiện vô cùng quan trọng của Cách mạng Việt Nam đó là Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, chứng kiến sự thành lập của tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh) và sự ra đời của tờ báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Với những giá trị to lớn không thể phủ nhận ấy, Lán Khuổi Nặm được coi như căn nhà sàn Bác Hồ đầu tiên, thể hiện tinh thần, phong cách giản dị, gần gũi, đơn sơ, gắn liền với văn hóa dân tộc, với đồng bào nhân dân của người cha già của dân tộc.
Nếu muốn đến thăm quan nơi này, bạn có thể tham khảo tour du lịch Hang Pác Bó, khám phá tất cả các địa điểm khởi nguồn của cách mạng Việt Nam khoảng 4 ngày 3 đêm khi di chuyển từ thành phố Hà Nội.
Lán Nà Lừa – Nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu Tuyên Quang
Sau khi đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mang tính quyết định giúp cho toàn dân nhận thấy được con đường để chấm dứt những ngày tháng nô lệ, tiến đến với kỷ nguyên độc lập – tự do, tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển từ căn cứ Pắc Bó về tới Tân Trào (Tuyên Quang).
Những ngày đầu khi mới tới đây, Người ở lại căn nhà cơ sở, tuy nhiên, sau đó, Bác đã bàn bạc với các đồng chí cán bộ địa phương để xây dựng một lán nhà riêng với tiêu chí “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán Nà Lừa đã ra đời như vậy.
Một lần nữa, nhà sàn Bác Hồ tại Tuyên Quang lại thể hiện sự bình dị và gần gũi với đồng bào nhân dân trong phong cách, lối sống của Người. Vẫn được xây theo cung cách của nhà sàn người Tày với diện tích nhỏ bé, chiều ngang chỉ 4,2m, chiều sâu 2,7m, được chia làm 2 gian nhỏ, gian trong nhỏ hơn làm nơi Bác nghỉ, gian ngoài rộng hơn Bác dùng để làm việc. Sàn lán cách mặt đất 70cm, có bậc lên xuống.
Bên trong căn nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu không có nhiều nội thất, đồ vật mà chỉ vỏn vẹn có chiếc máy đánh chữ, ít tài liệu, vài bộ quần áo, 2 chiếc ống bương để hằng ngày Bác xuống suối lấy nước về sinh hoạt. Giữa một môi trường thiếu thốn, bình dị đến vậy, Bác đã đưa ra nhiều quyết sách mang ý nghĩa sống còn cho dân tộc chẳng hạn như quyết định rằng đã đến lúc toàn dân đứng dậy giành chính quyền bởi thời cơ đã chín muồi, làm nên Cách mạng Tháng 8 lịch sử.
Hiện tại, căn lán này nằm trong cụm di tích Nà Nưa. Nếu muốn tận mắt chứng kiến nhà sàn Bác Hồ tại Nà Nưa thì bạn có thể cân nhắc dành thời gian 1 ngày ghé đến đây nếu có dịp đến với tỉnh Tuyên Quang vui chơi, du lịch nghỉ dưỡng.
ATK Định Hóa – 3 căn nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu Thái Nguyên
Từ khi được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt có diện tích lớn nhất Việt Nam, ATK Định Hóa đã giúp cho du lịch Thái Nguyên trở nên nổi tiếng hơn với du khách, nhiều tuyến quốc lộ đã được gấp rút xây dựng, nối thành phố Hà Nội với di tích lịch sử rộng lớn lên tới 520km2 này.
Điều đặc biệt tại ATK Định Hóa đó chính là có 3 địa điểm đã được các chiến sĩ và Bác lựa chọn làm điểm xây dựng nhà sàn Bác Hồ đó là Khau Tý, Tỉn Keo và Khuôn Tát. Đây là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
Đầu tiên đó là lán Khau Tý. Vẫn là một căn nhà sàn Bác Hồ rất nhỏ, có 2 gian để vừa nghỉ ngơi vừa làm việc. Đây là nơi Bác đã ở trong năm 1947 và cũng là nơi cho ra đời bài thơ “Cảnh khuya”.
Đến giữa năm 1948, Người mong muốn chuyển đến một chỗ ở mới đáp ứng các tiêu chí “Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng, có bãi ta chơi. Tiện đường sang Bộ tổng. Thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng ráo, kín mái. Gần dân, không gần đường”. Đó là lý do dẫn tới sự ra đời của nhà sàn Bác Hồ ở Tỉn Keo.
Nhà sàn Bác Hồ ở chiến khu Tỉn Keo rất nhỏ, được chia làm 2 gian. Tại đây, bên cạnh lán Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và lán bảo vệ, giúp việc, lán họp thì còn có chòi gác dưới chân đồi, gần sát con suối Khuôn Tát, có gian bếp đào xuống đất, nấu không khói.
Nhà sàn ở Tỉn Keo được lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt nhiều hơn là làm việc còn lán Khuôn Tát, cách đó khoảng 2km thì là nơi mà Người đã ở và làm việc nhiều lần trong các năm 1947, 1948 và đầu năm 1954. Để đảm bảo tính bí mật về hoạt động, nhà sàn Bác Hồ ở Khuôn Tát có vị trí bí mật nằm trên một quả đồi, dưới tán cây rừng rậm rạp và để vào được lán, phải qua con suối Khuôn Tát cùng những thửa ruộng bậc thang.
Nhà sàn Phủ Chủ tịch – Nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội
Giới thiệu chung về nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội
Nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội hiện thuộc khuôn viên Lăng Bác – Phủ Chủ tịch tại địa chỉ: Số 1 Bách Thảo, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Đây được coi là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ khi căn nhà hoàn tất xây dựng vào năm 1958 cho tới khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969.
Lịch sử chi tiết, thiết kế kiến trúc của nhà sàn Bác Hồ
Sau sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước đã di chuyển từ núi rừng về thủ đô Hà Nội. Tại đây, nhà sàn Bác Hồ đã được xây dựng. Vẫn phỏng theo kiến trúc của nhà sàn dân tộc Tày – Thái ở Việt Bắc, công trình có chiều dài 10.5 m, rộng 6.2 m, cao hai tầng.
Ngôi nhà này được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế và nguyện vọng của chính Hồ Chủ tịch. Người mong muốn được giữ nguyên một căn nhà giống như ở Việt Bắc với tầng 1 thoáng rộng, là nơi mà Bác sử dụng làm nơi làm việc vào mùa hè cũng như họp bàn nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cùng Bộ Chính trị.
Tầng 2 thì có hai phòng, là nơi sinh hoạt riêng tư, nghỉ ngơi của Bác Hồ. Ở giữa hai phòng thì có vách ngăn tận dụng làm giá sách, xung quanh có hành lang đi lại, ngắm cảnh.
Phía trước căn nhà là cầu ao, nơi Người thường cho cá ăn và xung quanh nhà là những tán cây rậm rạp, rộng lớn nhờ nhiều loại cây được mang về trồng từ khắp mọi miền Tổ quốc, cho thấy tình cảm to lớn của nhân dân cả nước đối với người cha già của dân tộc cũng như tình cảm trân trọng, yêu quý của Bác với mỗi người đồng bào, mỗi miền của Tổ quốc thân yêu.
Bạn có thể dễ dàng tới thăm quan và khám phá những hiện vật còn được giữ gìn nguyên vẹn trong khu nhà sàn này khi tới thăm quan lăng Bác, bảo tàng Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình và di tích Phủ Chủ tịch. Nhà sàn mở cửa từ thứ Ba – Chủ Nhật hàng tuần để tiếp đón du khách.
Cách di chuyển tới nhà sàn Bác Hồ Hà Nội
Nhờ vị trí nằm ngay trung tâm thành phố nên không khó để các bạn có thể di chuyển tới địa điểm thăm quan này.
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể gửi xe tại hai địa điểm ở đường Ông Ích Khiêm hay ở cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh sau đó đi bộ theo biển chỉ dẫn tới đây.
Còn nếu di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, bạn nên tham khảo các tuyến xe 09, 18, 22, 33, 45, 50 có điểm dừng gần với lăng Bác nhất để không phải đi bộ quá xa.
Blogamthuc365.edu.vn hy vọng những thông tin trên đã mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích về các nhà sàn Bác Hồ. Blogamthuc365.edu.vn kính chúc Quý khách một chuyến thăm quan, tìm hiểu lịch sử, du hành thời gian bổ ích và thú vị.
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Tam Đảo chi tiết nhất từ A – Z
Kinh nghiệm du lịch Ba Vì – Trốn khỏi ồn ào nơi phố thị
Kinh nghiệm du lịch Hạ Long chi tiết mới nhất
Kinh nghiệm du lịch Cô Tô tự túc từ A-Z