“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Đến với Thanh Hóa, bạn không chỉ được hòa mình vào những ký ức thiêng liêng của lịch sử mà còn được thưởng thức những đặc sản đã trở thành thương hiệu trứ danh. Dưới đây là “ngũ đại” đặc sản của mảnh đất đầu miền Trung này.

Bạn đang đọc: “Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

1. Nem chua

Nhắc đến đặc sản Thanh Hóa không thể bỏ qua món nem chua. Tuy nem chua không phải là món ăn xa lạ nhưng nem ở Thanh Hóa lại có “bản sắc” riêng, khiến nó trở thành đặc sản “vạn người mê”.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Nem chua Thanh Hóa. Ảnh: Internet

“Bạn đến chơi nhà ta với ta

Có chai rượu đậu bóc nem ra… “

Nguyên liệu chính làm nem là thịt lợn còn nóng hổi, vì nếu thịt nguội sẽ không tạo được độ kết dính trong quá trình lên men. Phần bì lợn cũng được lựa kỹ, làm sạch, thái mỏng. Thịt lợn sau khi xay nhuyễn được trộn với bì, thính, lá đinh lăng, tỏi, ớt cùng gia vị. Dùng lá chuối dày bọc bên ngoài để nem lên men tự nhiên. Sau vài ngày, nem sẽ chín đều, có màu hồng đẹp mắt. Nem xứ Thanh có vị chua dịu, đậm đà, không cay như nem Huế hay ngọt như nem miền Nam nên rất hợp khẩu vị. Những chiếc nem hình dáng bé bé, xinh xinh, mùi thơm, màu đẹp sẽ kích thích cả thị giác lẫn vị giác của bạn. Mua về làm quà thì quả là “tuyệt cú mèo”.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Món ăn ngon miệng ngon mắt. Ảnh: Internet

2. Bánh răng bừa

Nghe tên là đã thấy lạ phải không nào? Bánh này có nguồn gốc từ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Tương truyền đây là đặc sản tiến vua Lê Hoàng khi vua về đây làm lễ tịch điền. Do chiếc bánh có hình giống cái răng bừa làm ruộng nên người ta gọi là bánh răng bừa cho gần gũi.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Bánh răng bừa. Ảnh: Internet

Gạo làm bánh là loại gạo tẻ, dẻo và ngon. Gạo ngâm nước khoảng 2-3 giờ rồi đem xay thành bột, sau đó cho lên bếp khuấy liên tục để bột không vón cục, không quá chín. Đến khi bột sệt lại thì bắt xuống bếp để gói bánh.

Lá gói bánh là lá dong tươi lấy trên núi hoặc lá chuối ngự ở vườn nhà. Lá rửa sạch, hơ qua lửa để tăng độ dẻo, khỏi rách khi gói. Nhân bánh gồm hành khô, thịt ba chỉ băm trộn với mộc nhĩ, hạt tiêu, muối vừa đủ. Nếu ăn chay thì có thể thay nhân bằng đậu.

Chiếc bánh mới luộc bốc khói nghi ngút, mùi thơm của nhân lan tỏa, cắn một miếng thấy mềm mềm, vừa miệng. Khi bánh nguội, ăn lại nghe sần sật, ngon không kém. Có thể nói chiếc bánh răng bừa hội tụ những gì tinh túy nhất của sản vật trời đất mà người làm nông đã chắt lọc được.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Đĩa bánh nhìn là thèm. Ảnh: Internet

3. Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ còn được gọi là bánh gai là Mía, là đặc sản của làng Mía, huyện Thọ Xuân. Đây là loại bánh khá quen thuộc nhưng không kém phần hấp dẫn.

Tìm hiểu thêm: Cách làm bánh mousse chanh dây cho hè tươi mát

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh
Bánh gai Tứ Trụ. Ảnh: Internet

Vỏ bánh được làm từ gạo nếp trộn với lá gai nên bánh có màu tím than rất đẹp mẳt. Nhân bánh gồm mỡ lợn, đậu xanh, dừa trộn cùng với hạt sen. Bánh được gói bằng lá chuối khô, hấp trong khoảng 2 giờ. Một chiếc bánh gai “đạt chuẩn ” khi chín phải mịn màng, thơm ngon, có vị dẻo của gạo nếp, vị béo của thịt mỡ, mùi thơm của đậu, của vừng và đặc biệt là mùi đặc trưng của lá chuối khô.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Cận cảnh chiếc bánh gai. Ảnh:Internet

Nhìn những chiếc bánh xinh xắn, đáng yêu, mùi thơm tỏa ra, bạn sẽ cảm thấy cơm thèm ăn dâng lên. Cắn một miếng bánh, hương vị ngọt ngào như quấn quanh đầu lưỡi. Đây cũng là lựa chọn sáng suốt nếu bạn muốn làm quà.

4. Chả tôm

Ăn ngọt chán rồi, bạn có thể chuyển qua món mặn nhé. Món đầu tiên cần thưởng thức ngay chính là món chả tôm.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

Chả tôm. Ảnh: Internet

Chả tôm được làm từ bánh phở cuốn, nhân là tôm bóc vỏ giã nhuyễn, thịt ba chỉ rán vàng băm trộn với hành khô và hạt tiêu. Sau khi gói chả, kẹp chả vào nẹp tre tươi và nướng trên bếp than hoa đến khi chả ngã màu vàng ươm bắt mắt. Chả tôm ăn kèm với rau sống và nước chấm. Nước chấm là nước mắm pha loãng cùng đu đủ xanh thái mỏng, sung thái lát, ớt, tỏi, dấm, đường,… Kẹp một miếng chả với ít loại rau như diếp, mùi, húng rồi chấm nước mắm, chỉ nghĩ thôi là đã thèm không chịu được rồi. Đặc biệt trong những ngày se lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức thì quả là không còn gì bằng.

5. Gỏi cá nhệch

Món này nghe có vẻ hơi lạ. Đây là món nổi tiếng của vùng Nga Sơn. Cá nhệch là loại cá khó bắt, thường cư trú ở đầm phá ven bờ, hình dáng bên ngoài có nét giống lươn hoặc rắn.

Làm gỏi không khó nhưng quan trọng là phải thao tác thật nhanh để cá tươi và không bị tanh. Nhệch bắt về chà tro, rửa cho sạch nhớt, mổ bụng lọc xương và thịt riêng. Thịt nhệch thái mỏng, bóp qua chanh tươi, sau đó vắt ráo và cho vào bát, nhanh tay ướp gia vị và trộn với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá rán giòn để trộn cùng gỏi, xương cá giã nhuyễn để nấu chẻo.

“Ngũ đại” đặc sản xứ Thanh

>>>>>Xem thêm: Cách làm cá hồi ngâm tương đậm đà, bắt cơm

Gỏi cá nhệch. Ảnh: Internet

Gỏi cá ăn cùng với lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà, ở Nga Sơn người ta còn ăn với rau má. Gỏi có thể ăn với mắm tôm, nước mắm nhưng đúng chất Nga Sơn thì phải ăn với chẻo nhệch, chế biến từ xương cá giã nhuyễn trộn với mẻ chua và gia vị đặc trưng.

Món gỏi cá nhệch thể hiện sự tinh tế, sáng tạo trong cách chế biến của người Thanh Hóa. Thật uổng phí nếu đến Thanh Hóa mà không thưởng thức loại gỏi này.

Quả thật xứ Thanh có rất nhiều đặc sản làm lưu luyến những người mê ẩm thực. Những món ăn mang đậm bản sắc quê nhà với nguyên liệu và cách làm đơn giản luôn khiến cho khách phương xa phải nức nở khen. Còn đối với những người con Thanh Hóa xa quê, đây là kỷ niệm, là nỗi nhớ và niềm tự hào tha thiết. Mong một lần bạn ghé thăm Thanh Hóa để thưởng thức những món đặc sản này nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *