Tết Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng từ lâu lễ hội này đã trở thành truyền thống của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Một trong những đặc trưng của ngày hội trăng rằm là chiếc bánh trung thu hình tròn mang ý nghĩa gia đình đoàn viên. Ngày nay, đáp ứng nhu cầu của thời đại, bánh trung thu đã “cách tân” thành rất nhiều loại, nhiều dạng độc đáo. Hãy cùng khám phá những chiếc bánh trung thu sáng tạo của các nước ở châu Á nào!
Bạn đang đọc: Muôn sắc màu bánh trung thu vòng quanh châu Á
Bánh trung thu là một loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc. Bánh thường có hình tròn là hình ảnh tượng trưng cho sự tụ họp, đoàn viên của gia đình. Các thành viên dù sống xa nhau cách mấy nhưng đến ngày rằm tháng 8 âm lịch sẽ trở về nhà sum họp với gia đình. Dù ở quốc gia nào Trung thu cũng mang một thông điệp ý nghĩa như thế.
Bánh trung thu truyền thống có lớp nhân ngọt bên trong, vỏ bọc bên ngoài mỏng, có màu nâu đậm của bánh nướng và ít mùi vị. Dường như ngày xưa, phương pháp duy nhất để làm bánh trung thu là nướng, khi mà bếp củi, bếp than còn thông dụng.
Ngày nay, bánh trung thu hiện đại đa phần là sự “cách tân hợp mốt” với thời đại ưa chuộng mẫu mã đẹp, nguyên liệu của nhân bánh cũng đa dạng hơn. Nào là bánh nhân gà quay, jambon,… trà xanh là loại nhân đang hot hiện nay. Thập kỷ 1980 ở nhiều nước đã xuất hiện các kiểu bánh trung thu được làm lạnh (bánh dẻo lạnh), nhưng nước ta thì chỉ mới “debut” (ra mắt) vài năm gần đây. Còn có loại bánh trung thu chay, dành cho người ăn kiêng nữa. Thị trường bánh ngày càng trở nên phong phú. Thị trường bánh trung thu phát triển mạnh ở những nơi mà Tết Trung thu có tầm ảnh hưởng lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hãy cùng dạo “quầy bánh” các nước nhân dịp Trung thu cùng bloganchoi nhé!
Việt Nam
Ở nước chúng ta, bánh trung thu bao gồm 2 loại: bánh nướng và bánh dẻo. Bánh làm theo truyền thống thường có nhân đậu xanh trứng muối (hay hạt sen) có vị ngọt thanh hoặc nhân thập cẩm (jambon, lạp xưởng, lá chanh, mứt bí,…) nhai sừng sực rất vui.
Ngày nay, càng ngày càng xuất hiện nhiều mẫu mã bánh vô cùng bắt mắt, hương vị phong phú, mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn.
Trung Quốc
Tết Trung thu ở Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục nước này. Chính bởi hình ảnh gia đình đoàn viên mà bánh trung thu của Trung Quốc theo truyền thống thường có hình tròn, tượng trưng cho “đoàn viên” và ý nghĩa này bắt nguồn từ đời nhà Minh. Bề mặt bánh thường làm nổi các chữ mang ý nghĩa cầu phúc điều tốt lành.
Ngày nay, ở Trung Quốc bánh trung thu còn có cả hình vuông, hình các con vật, và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ, thậm chí người dân còn gọi tên bánh theo vùng đặc trưng, kiểu Quảng Đông, Tô Châu hay Bắc Kinh.
Đài Loan
Tại Đài Loan những chiếc bánh trung thu truyền thống lấy khoai lang làm nhân bánh.
Ngày nay, tại đây có thêm nhiều vị mới như kem, trà xanh, sôcôla, còn hình dạng thì “bao la nghìn trùng”.
Nhật Bản
Còn gọi là “geppei” trong tiếng Nhật. Bánh trung thu ở đây được bán quanh năm, không phải vì người Nhật rất sùng bái ngày lễ này mà chủ yếu bánh được ưa chuộng trong những khu người Hoa sinh sống. Khác với Trung Quốc, bánh trung thu Nhật Bản dường như không có trứng muối bên trong. Thật ra, đa số người Nhật không biết rằng có loại bánh trung thu như thế.
Tsukimi Dango, làm từ bột gạo, nặn hình tròn, màu trắng, được bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, là loại bánh hay được sử dụng trong Tết Trung thu của người Nhật.
Tìm hiểu thêm: Cách làm bánh trung thu dẻo lạnh vị trà đào cực mới lạ
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc có một loại bánh gạo hình bán nguyệt đặc biệt là Songpyeon. Songpyeon được dùng cho ngày Tết Chuseok.
Philippines
Ở Philippines, một kiểu bánh trung thu được biết đến là Hopia. Đây là loại bánh nướng đơn giản, nhưng phần nhân bên trong lại vô cùng phong phú đến “phức tạp”, thông thường có đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím, hoặc thậm chí sầu riêng. Phần bột bên ngoài là bánh xếp lớp, ăn hơi giòn.
Singapore
Bánh trung thu ở đây trông bề ngoài khá giống bánh trung thu Việt Nam nhưng hương vị thì khác biệt. Bánh được “biến tấu” phù hợp với thị hiếu nhiều người với nhiều loại bánh lạ như bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ, đặc biệt là bánh nhân sầu riêng.
Malaysia
Bánh trung thu tại Malaysia rất coi trọng sự sáng tạo, đây là yếu tố tiên quyết của một chiếc bánh chuẩn. Ngoài bánh truyền thống ở đây còn có bánh với hình dạng khác nhau như bánh hình sò biển, bông hoa, ngôi sao, và màu sắc thì cứ như bảy sắc cầu vồng.
Thái Lan
Bánh trung thu với nhân sầu riêng và 1-2 lòng đỏ trứng muối được ưa chuộng nhất.
>>>>>Xem thêm: Bánh cam lúc lắc và công thức thực hiện thành công
Nhìn những quầy bánh trung thu trưng bày ngày một nhiều trên phố, lòng ai cũng nao nao đến chiếc đèn trung thu đón chị Hằng năm nào! Dù bạn ở đâu hay đang bận rộn, hãy nhớ về gia đình, vì Tết Trung thu là Tết đoàn viên.