Huế là vùng đất lý tưởng cho các tín đồ đam mê du lịch khám phá. Bên cạnh đó, mảnh đất cố đô còn níu chân du khách phương xa bởi ẩm thực đa dạng, hấp dẫn. Nếu đang có kế hoạch tới đây, hãy tham khảo ngay list đặc sản Huế của Blogamthuc365.edu.vn để thưởng thức và mua về làm quà nhé!
Top 20 resort Huế đẹp sang trọng gần trung tâm thành phố
Top 20 villa Huế chuẩn 3-4-5 sao tầm nhìn đẹp
Top 20 khách sạn Huế giá cả phù hợp tại trung tâm thành phố
Top 20 homestay Huế đẹp bắt mắt gần trung tâm thành phố
1. Đặc trưng về các món đặc sản Huế
Huế trước đây vốn là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn. Chính vì vậy, so với nhiều nơi khác thì ẩm thực Huế luôn dồi dào, phong phú hơn.
Cách chế biến các món ăn cũng cực kỳ đa dạng và độc đáo. Có những hương vị đã trở thành dấu ấn của riêng xứ cố đô mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác.
Để nói về đặc sản Huế thì có lẽ kể tới một ngày cũng chưa đủ. Trong đó, cơm hến, bún bò, bánh bèo, nậm, mè xửng… thường được mọi người biết tới nhiều nhất.
Từ những món ăn cầu kỳ theo phong cách cung đình hay những món ăn dân dã, đạm bạc cũng đều có thể nằm trong danh sách đặc sản nơi đây.
Qua bàn tay tinh tế, khéo léo của người Huế cùng những công thức gia truyền, thực khách phương xa sẽ được trải nghiệm rất nhiều hương vị thơm ngon.
Người làm luôn đặt cái tâm của mình lên tất thảy, coi trọng chất lượng mà không đặt nặng số lượng, cách trình bày món ăn cũng vô cùng bắt mắt, đẹp dễ.
Trong nghệ thuật ẩm thực Việt Nam thì chắc hẳn ẩm thực Huế sẽ là một dấu ấn đỉnh cao, khó có thể bị phai nhạt. Sự tinh túy, thanh cao mà cầu kỳ chính là thứ tạo nên sức hấp dẫn của đặc sản Huế.
Việt Nam ta hiện đang có khoảng 3.000 món ăn thì riêng mảnh đất cố đô đã góp vào đó hơn 1000 món. Điều này càng khẳng định, khó có nơi nào có thể sánh kịp với Huế về sự phong phú, đa dạng trong ẩm thực.
Sự đồ sộ trong số lượng món ăn tại Huế chắc hẳn sẽ khiến nhiều du khách phải băn khoăn không biết nên ăn gì khi tới đây du lịch. Hiểu được điều đó, Blogamthuc365.edu.vn đã tổng hợp lại 30 món đặc sản của cố đô Huế nổi tiếng nhất. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
2. Top 30 món đặc sản Huế nhất định phải thử
2.1. Món ăn đặc sản Huế nên thưởng thức khi du lịch
2.1.1. Cơm hến và các món ăn từ hến
Cơm hến thì không ít nơi có, nhưng để nói ngon nhất thì phải kể đến cơm hến do người Huế làm. Để làm ra được vị hến đúng điệu nhất, người ta cần có nguyên liệu từ khu Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế chứ không phải địa phương nào khác.
Hến sau khi được chế biến sẽ cho vào tô, trộn cùng cơm nguội, tóp mỡ, mắm ruốc, đậu phộng, gia vị… Các nguyên liệu dân dã, đơn giản mà dễ kiếm nhưng khi hòa quyện với nhau lại cho ra hương vị hoàn hảo.
Ngoài món cơm hến nổi tiếng, người Huế cũng có nhiều món ăn khác như bún hến, mì hến… với hương vị đặc sắc không kém cạnh.
2.1.2. Đặc sản Huế Bánh bèo – bánh lọc Huế
Nếu hỏi đặc sản Huế bánh có gì ngon thì chắc chắn không thể bỏ qua món bánh trứ danh này. Đây đều là những món ăn gần gũi trong đời sống hàng ngày của người địa phương.
Nguyên liệu hay cách làm cũng không quá cầu kỳ, cao sang nhưng những ai đã từng được thưởng thức một lần chắc chắn không thể nào quên.
Mỗi loại bánh đều có hương vị độc đáo riêng. Khi ăn thường chấm cùng nước mắm ớt chua ngọt để dậy mùi vị. Nếu còn đang băn khoăn chưa biết ăn gì khi đến Huế thì có thể thử bộ ba loại bánh này nha.
2.1.3. Đặc sản Huế – Bánh khoái
Một gợi ý tiếp theo cho câu hỏi Huế có đặc sản gì, đó là món bánh khoái độc nhất vô nhị. Nhìn qua thì loại bánh này rất giống món bánh xèo.
Tuy nhiên hương vị lại hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, bánh xèo thì có ở rất nhiều nơi, còn bánh khoái thì chỉ có riêng ở cố đô thôi nhé.
Bánh khoái cũng được làm từ bột gạo, nhân thường có thịt ba chỉ, tô, quả quết, giá, lòng đỏ trứng gà… Vỏ bánh sẽ dày hơn bánh xèo, khi ăn cũng đậm đà hơn hẳn.
Chấm cùng nước sốt được xay nhuyễn từ hỗn hợp hơn 10 nguyên liệu: gan heo, mè rang, đậu phộng, tương… thì còn tuyệt vời hơn nữa.
2.1.4. Bánh ram ít
Ram ít là món bánh đặc sản Huế đã có từ rất lâu ở mảnh đất cố đô. Bánh có hai phần chính là bánh ít màu trắng và bánh ram màu vàng.
Tưởng như sự dẻo dai và giòn rụm quá khác biệt những khi kết hợp với nhau lại tạo nên sự vui miệng và hương vị hấp dẫn khó quên. Khi ăn, người ta rắc thêm bột tôm cháy trên cùng, một ít hành lá, sau đó rưới vào nước chấm chua ngọt mới chuẩn vị.
Nếu đến Huế, bạn có thể tìm tới các quán bánh ram ít nổi tiếng như: quán Bà Đỏ ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, quán O Lé ở Kim Long, quán Thúy ở Phạm Hồng Thái…
2.1.5. Đặc sản Huế Bánh nậm
Tên gọi của món đặc sản Huế tiếp theo mà Blogamthuc365.edu.vn muốn giới thiệu tới các bạn là bánh nậm. Phải nói rằng mảnh đất cung đình có rất nhiều các loại bánh thơm ngon, trong đó không thể thiếu món bánh này. Chiếc bánh tuy nhỏ nhưng khi ăn vô cùng đưa miệng.
Bột gạo – nguyên liệu chính để làm bánh vừa thơm, bùi vừa có tính lành nên người già, trẻ nhỏ hay người đang ốm yếu đều có thể ăn được. Ngoài ra, bánh nậm còn có nhân chay từ đậu xanh dành cho những ai muốn ăn chay vào các ngày rằm hay mùng một.
2.1.6. Chè cung đình Huế
Tham quan một vòng các loại bánh đặc sản Huế, quý khách có thể lựa chọn thưởng thức món chè cung đình. Món ăn này đã có từ rất lâu, thời vua chúa triều Nguyễn và thường được dùng trong các bữa tiệc lớn.
Sự kết hợp hài hòa của nhiều loại chè với hương vị thơm ngon khiến nhiều du khách không khỏi mê mẩn, dù mới chỉ ăn lần đầu tiên.
Quý khách có thể tha hồ tìm các loại chè thượng hạng như chè đậu ngự, chè long nhãn… hay các loại chè bình dân như chè đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh… Ngày nay, nhiều loại mới lạ hơn cũng được bày bán như chè thạch, chè trái cây, chè bột lọc heo quay…
2.1.7. Bánh canh Nam Phổ
Không giống bất kỳ món bánh canh nào bạn từng ăn, đặc sản Huế bánh canh Nam Phổ chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy thích thú vì hương vị độc đáo hiếm nơi nào có.
Món ăn được chế biến rất tỉ mỉ và công phu. Nước dùng được lấy từ nước luộc tôm, cua và xương nên khi ăn có vị ngọt rất tự nhiên. Giò, chả, cá lóc, nạm cũng vô cùng đậm đà, lôi cuốn.
Phần bột được nấu từ tôm, thịt ba chỉ giã nguyễn. Thành quả cho ra là tô bánh canh hài hòa về màu sắc, thơm ngon về chất lượng. Thêm chút hành lá cho dậy mùi thì thật là không thể chối từ!
2.1.8. Bún thịt nướng
Tất nhiên đây không phải là món ăn chỉ riêng xứ Huế mới có, nhưng với cách chế biến và nguyên liệu khác biệt đã giúp bún thịt nướng ở đây tạo nên được chất riêng. Chính vì thế, món ăn này cũng được xếp vào danh sách đặc sản Huế mà du khách không nên bỏ lỡ.
Khó nhất khi chế biến là công đoạn ướp thịt và nướng thịt. Thịt khi chín không được quá khô, phải béo, ngậy mùi mỡ tự nhiên mới đúng chuẩn.
Nước sốt ăn kèm cũng không phải là nước mắm chua ngọt mà là được làm từ tương đậu nành, đậu phộng, mè trắng và gia vị đặc trưng.
2.1.9. Vả trộn
Nếu bạn muốn tìm một món ăn đặc sản Huế cho những buổi nhậu lai dai thì nhất định phải thử món vả trộn chỉ riêng nơi đây mới có.
Ở Huế, từ đồng bằng, trung du hay cả vùng núi, đâu đâu cũng có thể bắt gặp cây vả. Quả vả được hái để ăn, làm trà, thưởng thức cùng bánh khoái và còn được để làm món vả trộn thơm ngon.
Đầu tiên cần luộc vả rồi vắt thật khô. Sau đó cho vào tô lớn trộn cùng thịt, tô, mè, da heo, đậu phộng và các loại rau thơm. Tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng khi ăn lại vô cùng lôi cuốn. Thực khách sẽ được phục vụ cả bánh tráng nước để thưởng thức, giống như món hến xào vậy.
2.1.10. Đặc sản Huế – Cơm âm phủ
Cái tên khá “kỳ cục” và khiến không ít người rùng mình này thực chất là một món đặc sản Huế vô cùng nổi tiếng. Sở dĩ, theo người dân kể lại thì trong chuyến du hành trước đây, nhà vua đã lạc vào một nhà bà lão.
Nhưng vì nhà nghèo, bà lão chỉ có cơm trắng và ít rau cải để đãi vua. Vì mệt nên vua ăn rất ngon lành. Món cơm này cũng từ đó được gọi là cơm âm phủ.
Một suất cơm thường có cơm trắng, thịt, tôm, chả lụa, trứng rán, dưa chuột, rau chua, rau thơm. Các nguyên liệu được thái thành sợi nhỏ, sắp xếp đẹp mắt trên mặt cơm và kèm theo bát nước chấm chua ngọt để trộn cùng.
2.1.11. Nem lụi Huế
Đến Huế mà không thử món nem lụi thì thật đáng tiếc. Nhiều người nghĩ rằng nem lụi thì nhiều nơi khác cũng có, nhưng không phải địa phương nào cũng có hương vị đặc biệt như nem lụi Huế đâu nhé.
Vẫn là thịt heo xay nhuyễn, trộn cùng da heo và đem nướng trên than hồng nhưng cách ướp thịt, nêm nếm gia vị tại đây rất khác biệt. Ai ăn rồi cũng phải tấm tắc khen ngon. Món đặc sản Huế này mà ăn kèm bún cũng tuyệt vời lắm đấy.
2.1.12. Đặc sản Huế – Bánh ép ướt
Thoạt nhìn qua, không ít du khách sẽ lầm tưởng đây là bánh tráng nướng nhưng thực ra cách chế biến, nguyên liệu và mùi vị rất khác nhau. Cái tên bánh ép cũng được gọi từ quy trình ép bánh nhiều lần bằng khuôn gang trên bếp than.
Một chiếc bánh sẽ có đủ vị chua, béo ngậy, giòn dai với các thành phần rất thân thuộc và dễ kiếm. Tất nhiên không thể thiếu nước chấm chua ngọt kèm tỏi, ớt để hương vị thêm phần hoàn hảo.
2.2. Đặc sản Huế làm quà có gì?
2.2.1. Mắm sò Lăng Cô
Nếu du lịch vịnh Lăng Cô, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hàng quán bày bán các lọ mắm sò. Vùng biển này có nhiều loại hải sản tươi ngon như tôm, cua, hàu, vẹm… Trong đó, sò được người dân sử dụng nhiều nhất để làm thành món mắm đậm vị, không nơi nào có được.
Cứ đến mùa sò, vùng biển Lăng Cô lại nhộn nhịp cảnh người dân sẽ đi bắt sò lông. Qua các công đoạn chế biến cầu kỳ, thành quả từ loại hải sản hấp dẫn này là hương vị mắm sò chua, cay, mặn, ngọt hài hòa. Nếu đến Lăng Cô mà chưa từng thử đặc sản này thì quả là một điều thiếu sót.
2.2.2. Đặc sản Huế – Mè xửng
Hầu hết du khách đến Huế đều tìm mua mè xửng về làm quà. Đây là loại kẹo đặc sản Huế không thể thiếu trong đĩa bánh ngày Tết của người địa phương.
xửng được làm từ vừng, đậu phộng và mạch nha. Khi ăn, quý khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của đường, vị thơm nhẹ của mè cùng vị bùi của đậu phộng.
Ăn mè xửng thì nhất định phải uống cùng trà lá sen. Vị đắng của trà kết hợp với vị ngọt đậm của kẹo sẽ giúp bạn không bị ngán. Bạn có thể tìm mua ở bất cứ đâu trong các cửa hàng đặc sản uy tín nhé.
2.2.3. Bánh bột lọc lá
Cũng là món bánh lọc nhưng loại bánh này được hấp trong lá chuối, khi ăn sẽ dai hơn bánh bột lọc trần. Nếu bạn chỉ muốn mua về làm quà mà không ăn trực tiếp tại quán thì nên chọn bánh lọc lá này.
Thông thường, bánh giữ được trong khoảng 2 – 3 ngày mà không sợ bị hư. Sự dẻo, dai nóng hổi ăn cùng nước mắm ớt cay xé lưỡi trong một ngày se lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn.
Một số địa chỉ mà bạn có thể tìm mua đặc sản Huế này như: quán Bà Đỏ, quán Thúy, quán Bà Cư, quán Chi…
2.2.4. Đặc sản Huế Nem chua
Nem chua là món ăn quá phổ biến ở nhiều tỉnh thành, nhưng nem chua Huế cũng có một hương vị rất riêng. Nếu đang băn khoăn chưa biết mua đặc sản Huế làm quà thì quý khách có thể chọn món ăn này cũng rất hợp lý.
Nem ở đây có vị cay hơn nhiều nơi vì người Huế khá thích ăn cay. Nem được gói bằng lá chuối hoặc lá dong chứ không phải bằng nilon hay lá ổi như Bình Định, Thanh Hóa.
Sau khi mua về, bạn đợi khoảng 2 – 3 ngày cho nem chín rồi mới thưởng thức được nhé. Nem có màu hồng nhạt, vị chua nhẹ cùng vị thơm của thịt. Chấm vào tương ớt cay nồng thì còn hấp dẫn hơn nhiều đấy nhé.
2.2.5. Đặc sản Huế Tré
Chắc hẳn nhiều người rất tò mò với món đặc sản Huế có cái tên độc đáo này – tré. Món này được làm từ thịt, da bò hoặc lợn, tương tự như nem, chả. Như
ng người Huế có cách chế biến rất khác biệt. Họ cho thêm rất nhiều gia vị như nước mắm khô, ớt bột, riềng thái sợi, thính gạo, mè rang… rồi trộn đều lên.
Tré khi ăn thiên về vị cay nồng, còn có vị giòn sừng sừng rất đưa miệng. Bạn có thể đến quán Nem chả tré Đông Ba để thử và mua về làm quà nhé.
2.2.6. Tôm chua Huế
Tôm chua ăn cùng cơm trắng hay bất kỳ món gì cũng đều rất ngon, đặc biệt là thịt ba chỉ lợn. Món đặc sản Huế này giờ đây không chỉ có ở mảnh đất cố đô nhưng du khách tới đây vẫn muốn mua ít nhất vài hũ về làm quà.
Nguyên liệu để làm phải là loại tôm rằn, tôm chì hoặc tôm đất có thịt chắc. Kết hợp cùng măng, riềng, xôi, ớt cùng rất nhiều loại gia vị khác. Từng con tôm đỏ hồng với hương vị dậy mùi thơm làm thực khách khó có thể chối từ.
2.2.7. Trà cung đình
Trà cung đình là đặc sản Huế với tiếng tăm nức tiếng gần xa như chè Tân Cương ở Thái Nguyên hay chè Mộc Châu ở Sơn La vậy.
Khi xưa, loại trà này chỉ có vua chúa hoặc các vị hoàng thân quốc thích mới được thưởng thức. Tuy nhiên, ngày nay, hương vị của nó đã dần trở nên phổ biến trong đời sống bình dị của người dân.
Trà được chế biến từ 16 loại thảo dược khác nhau, có thể kể đến: hoa cúc, hồi hoa, atiso, thảo quyết minh, cam thảo, kỳ tử… Trà cung đình vừa giúp giải độc, thanh nhiệt lại ngăn ngừa bệnh, rất tốt cho sức khỏe người dùng.
2.2.8. Đặc sản Huế Kẹo cau
Tuổi thơ của trẻ em cố đô chắc hẳn đều gắn liền với thức quà bình dị này. Kẹo được làm rất giống với múi cau nên được gọi là kẹo cau.
Phần đường đông đặc giống nhân cau, kết hợp với hỗn hợp bột gạo và đường giống như vỏ cau. Vị ngọt của đường cùng vị bùi từ bột sẽ khiến nhiều người mê mẩn.
Bạn có thể mua kẹo cau và ít trà cung đình về biếu người lớn tuổi. Cảm giác uống trà trong khi ngậm kẹo rất thú vị đấy nhé.
2.2.9. Bánh ép khô
Bánh ép ướt truyền thống tuy ngon nhưng không giữ được lâu để du khách mua về làm quà. Vậy thì bạn có thể tìm mua bánh ép khô – một trong những đặc sản của cố đô Huế cũng thơm ngon không kém.
Công thức làm bánh ép ướt và khô cũng không quá khác nhau. Tuy nhiên, thời gian ép bánh khô cần lâu hơn để bánh có độ giòn hoàn hảo.
Khi ăn, bạn chỉ cần bẻ bánh ra, chấm cùng nước sốt hoặc tương ớt chua cay là đã đủ hấp dẫn rồi.
2.2.10. Mắm ruốc Huế
Nếu Đà Nẵng có mắm nêm, mắm cái, miền Tây có mắm cá sặc, cá linh thì Huế cũng nổi tiếng với đặc sản mắm ruốc. Hầu hết các món ăn ở đây đều sử dụng loại mắm này làm gia vị, nhất là món bún, canh rau hay cơm hến. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức nó như một loại nước chấm trong các bữa ăn.
Có nhiều người mê mẩn hương vị ngào ngạt và có phần nồng của mắm ruốc, nhưng cũng có người không quen nên bạn cần cân nhắc kỹ khi mua về làm quà nhé.
Một vài thương hiệu mắm ruốc được nhiều du khách tin tưởng như: mắm ruốc Cô Ri, mắm ruốc Bà Duệ, mắm ruốc Sông Hương…
2.2.11. Bánh đậu xanh trái cây
Bánh đậu xanh trái cây là đặc sản Huế rất thích hợp để mang về trong khoảng thời gian dài. Đặc biệt, các em nhỏ chắc chắn sẽ rất vui nếu nhận được thức quà nhiều màu sắc này.
Trước đây, món ăn này chỉ được dùng trong yến tiệc của vua chúa nhưng giờ đây, không chỉ người dân địa phương mà cả du khách cũng có thể dễ dàng tìm mua được.
Nhìn những chiếc bánh nhỏ xinh như những trái cây thu nhỏ khiến thực khách phải xuýt xoa, mê mẩn.
Nơi thích hợp nhất để mua bánh đậu xanh về làm quà là chợ Đông Ba ở Phú Hòa và Vọng Lục Bộ ở Thuận Thành nhé.
2.1.12. Đặc sản Huế: Hạt sen
Nếu đến Huế vào tháng 5 thì sẽ gặp đúng dịp thu hoạch sen ở đây. Những hạt sen tươi để làm thuốc hay nấu chè cũng đều rất tốt cho sức khỏe, vừa giúp điều trị chứng mất ngủ hiệu quả mà còn giúp người dùng an thần hay chống suy nhược cơ thể.
Hạt sen ở Huế chắc đều, mùi thơm nhẹ nhàng rất dễ chịu. Khi nấu, hạt không bị nát, có vị ngậy bùi đặc trưng. Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể mua sen tươi hay sen sấy cũng ổn.
2.1.13. Đặc sản Huế Bưởi Thanh Trà
Bưởi Thanh Trà là đặc sản Huế rất nổi tiếng, hơn nữa lại giữ được lâu nên mua về làm quà thì vô cùng hợp lý. Trước đây, loại bưởi này được coi là “của ngon vật lạ” để tiến vua.
Giờ đây, nhắc đến biểu trưng cho ẩm thực cố đô mà không kể tới bưởi Thanh Trà thì chưa thể trọn vẹn. Đặc biệt, chỉ có bên bờ sông Bồ, sông Lô – nơi đất phù sa màu mỡ mới trồng được loại bưởi ngọt thanh như vậy.
Mùa bưởi chín thường vào khoảng tháng 7 âm lịch, kéo dài trong khoảng 2 tháng. Nếu đến Huế vào thời gian này thì đừng bỏ lỡ cơ hội mua loại bưởi nức tiếng về làm quà cho người thân, bạn bè nhé.
2.1.14. Đặc sản Huế: Trà vả Lộc Mai
Ngoài món vả trộn độc nhất vô nhị thì quý khách cũng có thể mua trà vả về thưởng thức. Loại quả này rất được ưa chuộng ở Huế, xuất hiện khá nhiều trong các món ăn ngon.
Trà vả cũng là thức uống tốt cho sức khỏe, ổn định đường huyết và hỗ trợ điều trị một số bệnh về phế quản như hen suyễn, ho gà… Đặc biệt, xác trà còn lại sau khi uống cũng được mọi người giữ lại để ăn.
Trà vả ở đây có giá không quá đắt, ai cũng có thể mua được ít nhất vài gói về làm quà. Các bô lão cao tuổi chắc chắn sẽ rất thích thức quà bổ dưỡng này.
2.1.15. Bánh chưng Nhật Lệ
Sẽ có không ít du khách ngạc nhiên khi bánh chưng được giới thiệu là một trong những đặc sản Huế, bởi bánh chưng là món ăn quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nhưng nếu đã một lần thử hương vị bánh chưng Nhật Lệ xứ cô đô thì bạn sẽ ấn tượng mãi không quên đấy.
Miếng bánh thơm dẻo, được kết hợp nhuần nhuyễn nhân đậu, thịt béo ngậy và các gia vị tiêu, hành. Một cặp bánh chưng chỉ có giá khoảng 10.000 đồng. Nổi tiếng nhất là bánh ở khu phố Nhật Lệ hay chợ Đông Ba, chợ An Cựu…
2.1.16. Đặc sản Huế nổi tiếng: Rượu cung đình Nhất Dạ Đế Vương
Nghe cái tên thôi cũng đã phần nào hiểu được chất lượng của loại rượu này. Đây là thứ rượu cao cấp của hoàng tộc, được các vua chúa triều Nguyễn thường xuyên sử dụng. Nhâm nhi ly rượu hảo hạng và thưởng thức các món sơn hào hải vị thơm ngon đúng là không thể tuyệt vời hơn.
Rượu được lên men từ các loại thảo dược quý hiếm, khó tìm, đặc biệt có tác dụng tăng cường sinh lực, nâng cao chuyện phòng the. Cửa hàng Đức Thượng ở Vĩnh Ninh là địa chỉ bán rượu cung đình được nhiều người chọn mua nhất.
2.1.17. Dầu tràm
Đặc sản Huế tiếp theo mà Blogamthuc365.edu.vn muốn giới thiệu tới bạn đọc là tinh dầu tràm 100% nguyên chất. Dù đặc tính khá giống với dầu gió nhưng tinh dầu tràm có tính tự nhiên, không nóng nên khi sử dụng rất tốt cho sức khỏe. Mùi thơm nhẹ nhàng của dầu tràm sẽ giúp bạn thư thái đầu óc, cân bằng tinh thần.
2.1.18. Các loại trái cây
Dù không quá nổi tiếng như các loại trái cây miền Tây nhưng nhiều du khách cũng rất thích tìm mua trái cây ở Huế vì độ thơm ngon và giá thành lại phải chăng.
Bên cạnh các loại quả phổ biến như quả vả, thanh trà hay bưởi thì quý khách có thể thưởng thức măng cụt, vú sữa, dâu truồi…
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp quý khách có trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời với các món đặc sản Huế. Blogamthuc365.edu.vn chúc bạn đọc một chuyến đi nhiều kỉ niệm đáng nhớ!
Kinh nghiệm du lịch Nha Trang chi tiết từ A-Z mới nhất
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu chi tiết nhất
Kinh nghiệm du lịch Sầm Sơn từ A-Z – điểm đến ”hot” nhất miền Bắc
Bỏ túi Kinh Nghiệm Du Lịch Hội An chi tiết nhất