Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

Nếu bạn vẫn phân vân vào dịp Tết sẽ nấu gì cho gia đình và đãi khách. Đừng lo! Hãy cùng bloganchoi vào bếp làm ngay vài món ăn ngày Tết vừa đơn giản vừa ngon mê li luôn nhé!

Bạn đang đọc: Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

1. Mứt dừa 3 màu

Ngoài mứt dừa truyền thống có màu trắng như chúng ta đã thấy bấy lâu nay, thì ta còn có thể biến tấu mứt dừa thành nhiều mùi vị vô cùng hấp dẫn khác nhau.

Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

Mứt dừa 3 màu (nguồn: internet)

Nguyên liệu

  • Dừa dày cơm (các bạn hãy chọn loại dừa có độ hơi non một tí, khi ta ấn tay vào có thể có cảm nhận được độ mềm)
  • Đường cát trắng (áp dụng tỉ lệ sau: cứ 500g đường sẽ dùng cho 1kg dừa nhé)
  • Tạo màu cho dừa: tùy theo sở thích của người nấu, chúng ta có rất nhiều nguyên liệu để lựa chọn, rất dễ tìm và mua trên shopee, bạn có thể mua tại đây (lá dứa, trà xanh, hoa đậu biếc, cacao, củ dền, gấc…). Ở bài viết này bloganchoi sẽ cùng bạn vào bếp với hoa đậu biếc, lá dứa và vị truyền thống.

Cách làm

  • Bước 1: Dừa gọt sạch vỏ màu nâu nâu đen đen bên ngoài. Dùng dao bào bào thành từng lát mỏng.
  • Bước 2: Rửa thật nhiều lần bằng nước sạch cho đến khi nào nước có màu trong, không còn vẩn đục thì vớt dừa ra để ráo nước.
  • Bước 3: Trộn dừa với đường vào, xóc cho đều. Để dừa ngấm với đường và trở nên trong, trong vòng 5-7 tiếng.
  • Bước 4: Vì chúng ta làm mứt nhiều màu, nên sau khi ngâm dừa với đường ở 3-4 tiếng đầu thì chia dừa ra làm 3 phần. 1 phần giữ nguyên vẫn để ngâm cho đủ giờ, 1 phần cho vào bột hoa đậu biếc, 1 phần cho vào bột lá dứa. Nhớ kĩ hãy đảo đều cho bột tan vào nước đường và áo đều lên từng sợi dừa.
  • Bước 5: Dùng chảo có đế dày, bật lửa nhỏ rồi cho từng phần dừa vào sên (sên vị nào cho xong vị đó, không sên chung cùng lúc).
  • Bước 6: Đảo nhẹ nhàng, liên tục và đều tay. Khi nước đường bắt đầu khô lại cần đảo nhanh tay để đường không bị cháy ở đáy chảo và dừa được khô đều hơn.
  • Bước 7: Đảo cho đến khi đường và dừa khô hết thì ta đảo thêm 1-2 phút nữa rồi bày dừa ra dĩa hay lá chuối cho dừa nguội.

Bảo quản

Mứt dừa làm xong, đựng trong hộp kín bỏ tủ lạnh ở ngăn mát sẽ sử dụng được lâu hơn. Ngồi ăn miếng mứt dừa, nhâm nhi một tách trà nóng, trò chuyện vui vẻ cùng mọi người vào ngày Tết thì còn gì bằng đúng không nào? Chúc các bạn làm thành công mứt dừa ba màu nhé!

2. Nộm đu đủ tôm khô

Nộm đu đủ là món vừa giòn vừa lại có vị chua chua ngọt ngọt, rất dễ ăn. Đây chắc chắn là một món ăn cho mọi nhà chống ngán trong ngày Tết ăn toàn thịt mỡ. Cùng bloganchoi học cách làm nộm đu đủ ngon mà đơn giản nhé!

Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

Nộm đu đủ tôm khô (nguồn: internet)

Nguyên liệu

  • 3 muỗng canh nước mắm
  • 1/3 chén nước chanh
  • 1 củ tỏi
  • 1 muỗng canh đường
  • 1 trái đu đủ
  • 100g cà chua
  • 50g giá đỗ
  • Vài trái ớt tươi
  • 50g đậu phộng rang
  • nửa chén tôm khô
  • Vài cọng rau mùi

Cách làm

  • Bước 1: Để có món nộm đu đủ ngon, bạn nên chọn trái đu đủ có lớp vỏ xanh căng mướt, khi ấn vào có độ cứng vừa phải. Đu đủ bạn gọt vỏ, rửa sạch, bỏ hạt, rồi bào thành sợi dài, rửa sạch qua nước cho hết nhựa đu đủ rồi để ráo.
  • Bước 2: Cà chua rửa sạch, thái lát vừa ăn. Giá đỗ cũng rửa sạch, để cho ráo nước. Đậu phộng rang bóc sạch vỏ rồi giã nhuyễn.
  • Bước 3: Pha hỗn hợp nước trộn nộm gồm: 1/3 chén nước chanh, 3 muỗng canh nước mắm, 1 củ tỏi đập dập băm nhuyễn cùng với ớt, thêm 1 muỗng canh đường. Trộn đều các gia vị này lại với nhau.
  • Bước 4: Bạn cho đu đủ, cà chua, rau mùi thái khúc, tôm khô vào một bát to. Sau đó đổ nước đều nước trộn vào bát, trộn đều, rồi để ngấm khoảng 5-10 phút là có thể dùng được. Trước khi ăn, rắc đều đậu phộng rang lên trên bề mặt nộm.

Thành phẩm

Món ăn Nộm đu đủ tôm khô thật sự khá đơn giản phải không nào? Khi ăn vào, sợi đu đủ giòn giòn được ngấm trong nước sốt chua chua ngọt ngọt, xen kẽ vị beo béo của đậu phộng. Quả thật là một món ăn cứu cánh cho ngày Tết đã ăn quá nhiều dầu mỡ.

3. Canh rong biển

Vị canh thanh mát của canh rong biển, rất hợp với những bữa ăn nhẹ sau những giờ tiệc tùng linh đình của ngày Tết.

Tìm hiểu thêm: Cách làm cà tím kho tiêu đổi vị cho gia đình bạn!

Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn
Canh rong biển đậu hủ (nguồn: internet)

Nguyên liệu

  • 5g rong biển khô (bạn có thể tìm mua tại đây)
  • 100g thịt xay
  • 1 củ cà rốt nhỏ
  • 3 miếng đậu hủ
  • 2 củ hành tím
  • hành lá, ngò rí
  • gia vị: nước mắm, muối, tiêu, đường phèn

Cách làm

  • Bước 1: Ngâm rong biển trong thau nước sạch chừng 15 phút, rồi rửa lại 1,2 lần cho sạch cát, vớt ra để ráo nước.
  • Bước 2: Cà rốt đem gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu hoặc sợi que. Đậu hủ rửa sạch, thái khối vuông vừa ăn. Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn. Còn hành lá, ngò rí cũng làm sạch rồi thái nhuyễn.
  • Bước 3: Ướp thịt xay nhuyễn với 1 muỗng cafe nước mắm và một ít đường phèn. Trộn đều rồi cho tiếp hành tím băm nhuyễn vào ướp chung. Để cho thịt thấm.
  • Bước 4: Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, đợi dầu nóng lên cho thịt vào xào sơ. Sau đó cho vào 1 tô nước lọc.
  • Bước 5: Nấu đến khi sôi, vớt bọt, cho cà rốt vào và nêm lại cho vừa ăn.
  • Bước 6: Đun sôi tầm 1 phút thì cho đậu hủ và rong biển vào. Để lửa hơi to lên 1 xíu cho chín rồi tắt bếp ngay. Múc canh ra tô rắc hành, ngò và tiêu trước khi dùng.

Thành Phẩm

Một bát canh rong biển nấu cùng đậu hủ thanh mát thật sự là cứu cánh cho chúng ta không còn cảm giác ngán ăn trong ngày Tết đầy đạm và chất béo nữa.

4. Xôi mít

Một món ăn xuất xứ từ Thái Lan được du nhập vào Việt Nam gần đây đã nhận được rất nhiều lời khen bởi đây là một món ăn trên cả tuyệt vời. Mùi thơm của mít hòa quyện với vị béo của nước cốt dừa cùng với sự dẻo của nếp. Còn chần chờ gì nữa mà không vào bếp ngay!

Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

Xôi mít thơm ngon béo ngậy (nguồn: internet)

Nguyên liệu

  • 9 múi mít to
  • 200ml nước cốt dừa
  • 1 chén gạo nếp
  • đậu phộng rang
  • nửa chén dừa bào sợi
  • 1 muỗng cafe muối
  • 1 muỗng ăn canh đường
  • 1 muỗng ăn canh bột bắp
  • nếu bạn muốn xôi nhiều màu sắc thì có thể nấu sôi với lá dứa, gấc, hoặc ít lá cẩm

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp vo qua nước sạch, rồi cho vô thau ngâm nước trong vòng 5 đến 6 tiếng.
  • Bước 2: Mít lấy hạt ra bằng cách chỉ rọc 1 đường dọc xuống tránh múi mít bị tách ra làm hai.
  • Bước 3: Sau khi ngâm gạo nếp nở mềm rồi thì cho vào nồi cơm điện, chế nước lọc vào vừa đủ trên mặt nếp, cho một ít muối, sau đó nấu. Khi nồi nhảy nút, cho một nửa nước cốt dừa đã hòa tan với đường ở ngoài trước vào, trộn đều xôi lên. Và ấn nút nấu lại.
  • Bước 4: Khi nồi nhảy nút lần nữa thì để yên thêm 30 phút là xong.
  • Bước 5: Phần nước cốt dừa còn lại thì cho vào một cái chảo, đun sôi lửa nhỏ, có thêm một xíu muối. Sau đó cho thêm vào một ít bột bắp tạo độ sánh.
  • Bước 6: Cho xôi ra bên ngoài để nguội thì ta lấy muỗng múc xôi vào từng múi mít.
  • Bước 7: Bày xếp từng múi xôi mít lên trên dĩa, sau đó rắc đậu phộng rang và dừa sợi lên, chan thêm ít nước cốt dừa nữa. Và thưởng thức ngay thôi nào!

Thành phẩm

Một dĩa xôi mít vừa đủ cả sắc, hương, vị cho những ngày lễ tết thật sự bắt mắt phải không nào! Cách nấu tuy khá đơn giản nhưng khi ăn vào rồi rất dễ gây nghiện đó nha. Bạn hãy thử đi nhé!

5. Chân gà ngâm chua ngọt

Những ngày lễ tết chắc chắn không tránh khỏi việc ăn nhậu no say rồi, vì vậy mà hãy cùng bloganchoi làm món chân gà ngâm chua ngọt, một món nhậu cho ngày tết để mọi người cùng lai rai nhé!

Cách làm 5 món ăn ngày Tết chống ngán tại gian bếp nhà bạn

>>>>>Xem thêm: TOP 10 món đặc sản Huế làm quà ngon rẻ, ăn là nhớ “xứ mộng mơ”

Chân gà ngâm chua ngọt ( nguồn: internet)

Nguyên liệu

  • 10 chiếc chân gà
  • 6 tép sả
  • 1 củ gừng
  • ớt, 15 trái tắc (quất), lá chanh
  • muối, nước mắm, đường

Cách làm

  • Bước 1: Gừng cạo hết vỏ, rửa sạch rồi đem thái sợi, lá chanh cũng thái sợi. Ớt thì thái lát mỏng. 8 trái tắc đem đi thái thành lát mỏng còn 7 trái vắt lấy nước.
  • Bước 2: Sả lấy phần thân củ đem đi thái nhỏ, phần thân giữa thì đem cắt thành đoạn vừa ăn nhé.
  • Bước 3: Chân gà làm sạch khử mùi tanh bằng việc chà mạnh lên bề mặt chân gà bằng hỗn hợp muối gừng và nước cốt chanh.
  • Bước 4: Sau khi làm sạch chân gà thì đem đi chặt làm đôi, rồi ướp cùng một chút muối để khoảng 20 phút.
  • Bước 5: Sau 20 phút thì hấp chân gà cùng với lá chanh, gừng và sả ở mức lửa vừa phải. Sau khi chân gà chín thì tắt bếp. Vớt chân gà ra ngâm trong nước đá lạnh để tăng thêm độ giòn.
  • Bước 6: Tiếp theo đây là bước khá quan trọng quyết định món ăn của bạn có ngon hay không đó chính là pha nước chấm. Sau đây là công thức: 250ml nước lọc hòa tan với 3 muỗng canh đường, 3 muỗng canh nước mắm, tỏi, ớt, tắc, sả. Khuấy đều rồi nếm thử xem đã vừa ăn chưa rồi nêm lại cho hợp khẩu vị gia đình.
  • Bước 7: Vớt chân gà ra, đổ nước mắm chua ngọt vừa làm vào chân gà để ngâm trong tủ lạnh trong vòng 3,4 tiếng là có thể ăn được. Có thể để qua đêm ăn càng ngon hơn.

Thành phẩm

Món chân gà ngâm chua ngọt là một món nhậu vô cùng độc đáo. Ăn hoài không ngán bời đây là món có sự hòa quyện hài hòa giữa các vị cay, mặn, chua, ngọt khi cắn vào từng miếng chân gà dai giòn không bỡ. Bạn hãy thêm món chân gà ngâm chua ngọt này vào thực đơn của gia đình mình ngay nhé!

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác trên bloganchoi như:

Mong rằng với những món ăn ngày Tết đơn giản, dễ làm này sẽ giúp các bạn bổ sung vào thực đơn ăn uống ngày Tết của mình không bị nhàm chán. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích xin hãy ủng hộ 5 sao và theo bloganchoi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều cách làm món ăn ngon trong dịp Tết và những dịp khác nữa nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *